Bạn đã có To-Do-List hàng ngày chưa?

Chào bạn, mình là Vũ Hương Thảo đến từ Đồng Hành Số. Bài viết này mình muốn chia sẻ với bạn về một thứ “rất ngầu” mà mình mới trải nghiệm ra.

Đó là bản “TO-DO-LIST HÀNG NGÀY”

Một khái niệm không mới đúng không nào. Nhưng mình đã dùng nó để tạo ra những thói quen tốt.

Bạn đã từng nghe điều này chưa:

Gieo suy nghĩ gặt hành động

Gieo hành động gặt thói quen

Gieo thói quen gặt số phận

Như vậy “số phận” bạn ra sao bắt nguồn từ “suy nghĩ” của bạn. Từ suy nghĩ đến kết quả có cầu nối là hành động và thói quen. Và thường mọi người không đạt được kết quả là vì không tạo được hàng loạt hành động và thói quen đúng đắn.

Vậy trong bài viết ngày hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu một phương pháp xây dựng thói quen thành công thông qua danh sách TO-DO-LIST hàng ngày.

Bạn đã bao lần quyết tâm cải thiện một kỹ năng nào đó nhưng rồi bỏ dở giữa chừng?

Bạn đã bao lần muốn xây dựng một thói quen nào đó nhưng chưa thể thành công?

Bạn đã bao lần quyết tâm đạt mục tiêu nhưng không thể đến đích?

Nếu đó là điều bạn đã trải qua trong nhiều năm tháng, thì hãy cùng xem phương pháp mà mình chia sẻ sau đây nhé. Mình tin rằng nó sẽ gợi ý cho bạn những ý tưởng để thay đổi cuộc sống hàng ngày của bạn. Và mang đến những kết quả mới!

Thói quen là gì?

Thói quen là những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện, nó không sẵn có mà là kết quả của việc sinh hoạt, học tập… (theo Wikipedia)

Vậy thói quen giống như bạn ăn cơm hay đánh răng hàng ngày vậy. Thì bạn cũng có thể làm điều gì đó tương tự như vậy.

To-do-list có vai trò gì trong việc tạo lập thói quen?

To-do-list là một danh sách những công việc bạn cần làm hàng ngày. Thường mọi người nói rằng sẽ lập list-to-do trước khi đi ngủ đúng không nào, việc đó nhằm tạo định hướng cho ngày mai, để chúng ta không bị lạc hướng, để chúng ta tập trung vào những công việc quan trọng cần làm.

Nhưng bạn ơi, bạn có thể LẬP TO DO LIST TRƯỚC CẢ THÁNG đấy!

Vâng, đó chính là cách mình đang dùng để tạo lập thói quen.

Khi mình quyết định sẽ nâng cao kỹ năng tiếng anh của mình, thì việc dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để học tiếng anh là một điều bắt buộc. Chính vì vậy mà mình sẽ đưa việc học tiếng anh vào tất cả các công việc cần làm hàng ngày. Mình ghi luôn vào to-do-list cho cả tháng.

Bên cạnh những công việc quan trọng cần làm, những việc khẩn cấp phải giải quyết thì những việc “như một thói quen” sẽ có mặt trong danh sách của mình.

Sử dụng to-do-list như nào?

Mỗi ngày khi nhìn vào bản danh sách cần làm, mình hiểu rằng mình cần chạy đua với thời gian để hoàn thành những công việc này trước khi mặt trời lặn và trước khi năng lượng của mình cạn kiệt.

Mình sẽ tập trung để hoàn thành những việc quan trọng và khẩn cấp trước, sau đó đến những việc nhằm xây dựng thói quen và cuối cùng mới là những việc không có nhiều giá trị cho mục tiêu.

Bước 1: Chọn một thói quen bạn muốn thay đổi

Chọn một kỹ năng, một thứ xứng đáng trở thành thói quen tốt của bạn. Đây là những thứ có lợi cho sức khỏe, tinh thần, sự nghiệp,… và bạn xác định được là trong tương lai nó sẽ vẫn còn nhiều giá trị. Chẳng có gì buồn hơn nếu chúng ta thành thạo một kỹ năng nào đó để rồi nó bị thay thế bởi một thứ rẻ hơn và dễ dàng hơn đúng không nào?

Một số kỹ năng, thói quen tốt mà nếu tạo lập được bạn chỉ có lợi ích mãi mãi như là tập thể dục, thiền, giao tiếp, kỹ năng công nghệ,…

Bước 2: Chọn thời điểm rèn luyện

Chọn một thời điểm thích hợp trong ngày , tối ưu nhất để luyện tập nó. Viết nó vào danh sách check-list hàng ngày của bạn.

Lý tưởng nhất là bạn có một cuốn sổ. Mỗi ngày viết một trang cho danh sách cần làm của ngày hôm đó. Như vậy bạn có thể dễ dàng điền trước cả tháng trời 😊

Bước 3: Quyết tâm để thực hiện

Rõ ràng đây là khâu khó nhất nhưng mình sẽ đưa ra 4 gợi ý này để việc thực hiện của bạn trở nên thú vị và có động lực hơn.

Thứ nhất, bạn hãy tưởng tượng bạn hoàn thành thực hiện luyện tập thói quen này vào ngày hôm đó. Và công việc được tích hoàn thành. Bạn đã ở đâu để thực hiện nó? Bạn thực hiện trong khung cảnh nào, như thế nào? Có thể tưởng tượng vào buổi tối trước khi đi ngủ của ngày hôm trước.

Thực sự khoảng thời gian trước khi bạn ngủ, bạn nghĩ về mọi thứ của ngày hôm sau và tưởng tượng rằng mọi thứ đều được hoàn thành tốt đẹp, điều đó rất tuyệt. Bởi vì bạn đang áp dụng luật hấp dẫn.

Thứ hai, hãy tưởng tượng lợi ích đạt được sau khi rèn được kỹ năng đó. Bạn phải thực sự cảm nhận được niềm vui sướng khi mình rèn kỹ năng đó thành công. Bạn sẽ đạt được kết quả gì và bạn vui sướng với điều đó như thế nào.

Ví dụ như bản thân mình đang nâng cấp kỹ năng nghe nói tiếng anh, mình thường tưởng tượng rằng mình có thể bắn tiếng anh như gió với người nước ngoài. Mình có thêm bạn bè ở năm châu, và những công việc làm ăn xuyên quốc gia. Ước mơ càng lớn, động lực của bạn càng mạnh mẽ !

Và đây cũng chính là một phần của luật hấp dẫn đấy bạn nhé.

Thứ ba, bạn có thể áp dụng hình phạt nếu không thực hiện. Hình phạt tốt nhất là đánh vào kinh tế. Bạn sẽ cho ai đó tiền nếu không hoàn thành công việc này. Hoặc bạn phải làm việc nhà, việc dọn dẹp hay sửa chữa gì đó thay vì đi thuê.

Thứ tư, ngược lại với bị phạt, bạn có thể ăn mừng nếu thành công. Hãy tự thưởng cho bản thân khi bạn duy trì 10 ngày – 15 ngày – 30 ngày liên tục thực hiện thói quen. Một chiếc áo mới, một món đồ mà bạn yêu thích, hay một bữa ăn bên ngoài là những thứ thiết thực để tận hưởng niềm vui chiến thắng. Và đây tiếp tục lại là một cách để bạn “hấp dẫn” sự thành công cho những lần sau.

Ồ đây có phải là bản tin về luật hấp dẫn không nhỉ, bạn đã được học tới 3 bài học về luật hấp dẫn trong bài viết này 😊

Bước 4: Theo dõi và đánh giá

Sau một thời gian thực hiện thói quen, bạn cần theo dõi và đánh giá về sự tiến bộ của bản thân ở kỹ năng đó, có nên cải thiện điều gì để việc rèn luyện tốt hơn (ví dụ như thời gian hay phương pháp thực hành?).

Mình tin rằng không có ai chăm chỉ luyện tập tiếng anh 30/30 ngày theo đúng phương pháp mà không tiến bộ cả.

Không có ai luyện giao tiếp mỗi ngày đều gọi điện cho 10 khách hàng mà không trở thành một người bán hàng thấu hiểu cả.

Không có ai mỗi ngày dành 2 giờ đồng hồ để học và rèn luyện kỹ năng lãnh đạo mà không thể quản lý đội nhóm của mình tốt hơn.

Thời gian bạn bỏ ra cộng với lựa chọn phương pháp đúng thì nhất định hiệu quả sẽ đến.

Thay lời kết!

Nhìn vào bản to-do-list có thể đoán được tương lai của một người. Họ làm những công việc gì hàng ngày, họ có chọn những việc hướng đến mục tiêu không, họ có phát triển toàn diện bánh xe cuộc đời không.

Hãy thử tạo to-do-list hàng ngày trong một tháng và rồi nhìn lại, đi sâu vào từng ngày bạn đã làm gì. Và bạn sẽ tìm ra câu trả lời sâu sắc hơn.

Khi nào bạn cảm thấy cực khó chịu nếu như to-do-list của mình chưa được hoàn thành khi một ngày đã kết thúc thì khi ấy bạn đang ươm mầm cho những thói quen tốt được hình thành.

Chúc bạn vững bước trên hành trình vươn tới phiên bản tốt nhất của chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *